Trực vận hành tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mặc dù hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng, song, với sản lượng điện tiêu thụ trong ngày lên tới hơn 630 triệu kWh (tương ứng công suất đỉnh của hệ thống điện vượt 30.000MW). Để đảm bảo huy động đủ nguồn điện gắn với vận hành an toàn hệ thống điện, cùng với nguồn nhân lực có trình độ cao, không thể không nhắc tới tầm quan trọng của hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại được đầu tư, trang bị tại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
PV Nguyên Long phỏng vấn ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia về việc đẩy mạnh đầu tư KHCN tại đây, nhằm đảm bảo huy động điện gắn với vận hành thị trường điện.
PV: Xin ông cho biết, A0 đã thực hiện việc huy động nguồn điện cũng như vận hành HTĐ như thế nào trong đảm bảo cung cấp điện đợt nắng nóng đầu tiên những ngày đầu tháng 6 vừa qua?
Ông Nguyễn Đức Cường: Để chuẩn bị cho mùa nắng nóng năm 2017, ngay từ đầu năm Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia đã lập phương án vận hành HTĐ đảm bảo cung cấp điện trong tình huống nắng nóng gay gắt và kéo dài. Trong phương án đó, chúng tôi đã dự báo phụ tải HTĐ Việt Nam có thể đạt đến 31.702 MW, và thực tế đợt nắng nóng vừa qua công suất đỉnh của HTĐ Việt Nam đã là 30.182 MW. Để thấy mức độ khắc nghiệt của đợt nắng nóng vừa qua, chúng ta có thể so sánh công suất phụ tải qua các ngày: ngày 31/5 HTĐ Quốc gia tăng thêm trên 1000 MW so với ngày 30/5, tiếp theo ngày 1/6 lại tiếp tục tăng thêm trên 1000 MW nữa và đạt đỉnh 30182 MW vào ngày 2/6, cao hơn đỉnh phủ tại năm 2016 là 2072 MW (ngày 14/6/2016 đạt đỉnh 28110 MW), tức là nhu cầu dùng điện tăng lên qua một năm hơn cả Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.
Chúng tôi đã huy động các nguồn thuỷ điện ở miền Bắc, miền Trung và nguồn nhiệt điện than khu vực Đông bắc. Về dự trữ nguồn điện thì vẫn còn dư, tuy nhiên việc huy động nguồn phải phù hợp với năng lực của lưới điện truyền tải, đồng thời phải kịp thời thay đổi kết dây lưới điện nhằm tránh quá tại cục bộ, nhất là một số khu vực nhu cầu sử dụng điện tăng một cách đột biến.
Nhìn chung, EVN đã đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục trong đợt nắng nóng vừa qua!
PV: Được biết, cùng với nguồn nhân lực có trình độ cao, A0 luôn được quan tâm đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn HTĐ gắn với các cấp độ của thị trường điện. Xin ông cho biết tầm quan trọng của việc đưa vào ứng dụng các công nghệ này - nhìn từ thực tế vận hành HTĐ đợt cao điểm nắng nóng vừa qua?
Ông Nguyễn Đức Cường: Điều độ Quốc gia có hai nhiệm vụ chính là vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Để thực hiện vận hành hệ thống điện, chúng tôi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam trang bị hệ thống thu thập dữ liệu từ các trạm biến áp, nhà máy điện, giám sát hoạt động của hệ thống điện và điều khiển hệ thống điện - hay còn gọi là hệ thống SCADA/EMS. Nếu so sánh số liệu nhu cầu phụ tải của năm 1994, thời điểm đóng điện đường dây 500kV Bắc - Nam đầu tiên, đỉnh của hệ thống khoảng 3200MW, nay đỉnh của hệ thống đã gấp xấp xỉ 10 lần. Trước đây nhân viên vận hành có thể dựa nhiều vào kinh nghiệm để ra quyết định, thì nay bắt buộc phải dựa vào hệ thống SCADA/EMS. Hệ thống này đã giúp cho nhân viên vận hành tại các Trung tâm Điều độ nắm bắt thông tin, dữ liệu để kịp thời chỉ huy vận hành, tính toán tăng giảm công suất nguồn điện, thay đổi kết dây phù hợp với nhu cầu phụ tải, nhất là trong đợt nắng nóng cực đoan vừa qua!
Qui mô hệ thống điện Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong suốt những năm qua. Tổng công suất đặt nguồn điện Việt Nam đến nay đã đạt đến 43.590 MW, hệ thống điện Việt Nam từ một hệ thống nhỏ đã trở thành hệ thống lớn (hệ thống điện có công suất đặt trên 10.000 MW được xem là HTĐ lớn), do vậy công nghệ điều độ vận hành hệ thống điện cũng phải phát triển tương ứng để phù hợp với nhiệm vụ được giao. Có thể nói, Điều độ Quốc gia đã được EVN trang bị các công nghệ phục vụ điều độ vận hành HTĐ, TTĐ ngang tầm với các nước trong khu vực.
Lãnh đạo EVN luôn quan tâm, sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất hàng ngày của Trung tâm nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành HTĐ. Điều này được thể hiện qua các đề án, dự án đã và đang giao cho Trung tâm triển khai thực hiện, như dự án xây dựng hệ thống ghi sự cố và giám sát diện rộng, đề án nghiên cứu ổn định hệ thống điện Việt Nam đến năm 2030, trang bị phòng thí nghiệm điều khiển HTĐ, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng thị trường điện bán buôn v.v... Bên cạnh sự quan tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm v.v... không thể không kể đến sự quan tâm đối với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua các khoá đào tạo trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế như với USTDA (Mỹ), GIZ (Đức) về điện gió.
Tập đoàn đang tìm kiếm hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật về tích hợp nguồn điện mặt trời qui mô lớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Điều độ Quốc gia trong thời gian tới đây.