Truyền tải điện miền Tây kiểm tra an toàn hành lang lưới điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Một trong những giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia trong mùa mưa bão chính là nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. PV Icon có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hồng - Phó Trưởng ban An toàn Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, trong khi miền Bắc vẫn đang ở thời kỳ cao điểm nắng nóng, mùa mưa bão đã bắt đầu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ. Thời tiết này gây khó khăn như thế nào trong quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Như các bạn đã biết, ở nước ta tỷ trọng điện sinh hoạt trong tổng công suất điện là rất lớn. Khi nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng cao, nếu không sử dụng tiết kiệm và hiệu quả dễ dẫn đến quá tải cho các đường dây và TBA. Mùa mưa đến sớm hơn ở miền Trung và Tây nguyên trong khi miền Bắc vẫn còn đang nắng nóng khiến chúng tôi cùng lúc phải làm rất nhiều việc. Thường thì công tác phòng chống thiên tai (PCTT) phải hoàn thành trước 30/4 hàng năm để kịp thời phòng tránh, chủ động các phương án khắc phục (nếu có). Nhưng khi mùa mưa đến sớm hơn thì các công việc PCTT phải hoàn thành sẽ phải sớm hơn và nhiều hơn. Công việc phải đồng thời, làm sao vừa phòng chống thiên tai, vừa chống quá tải cho lưới điện. Đó là khó khăn lớn nhất của chúng tôi.
PV: Thưa ông, theo kế hoạch, năm nay lưới điện 500kV sẽ phải tiếp nhận khoảng 20 tỷ kWh điện từ miền Bắc và miền Trung vào cung cấp cho miền Nam. Với thời tiết khắc nghiệt như vậy, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã có những giải pháp cụ thể như thế nào để thực hiện nhiệm vụ này ?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Theo dự báo, năm nay phụ tải điện khu vực phía Nam sẽ tăng khoảng 12,78% so với năm 2016. Hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đảm bảo tiếp nhận khoảng 20 tỷ kWh điện từ miền Bắc và miền Trung vào cung ứng cho khu vực miền Nam. Vì vậy, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) yêu cầu các đơn vị bằng mọi giá phải đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam và hệ thống đường dây 220 kV đấu nối với các nhà máy điện cũng như lưới điện liên kết các khu vực, bởi chỉ cần 1 sơ xuất nhỏ cũng sẽ gây ra những hậu quả không lường.
Trong công tác đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia, nếu như mùa khô, những lo ngại của việc đốt rừng làm nương rẫy gây nguy cơ cháy lan vào đường dây - thì mùa mưa, giông sét gây sự cố đường dây, mưa bão gây sạt trượt trụ điện dễ dẫn đến nghiêng, đổ cột, cây đổ ngã vào đường dây… làm mất an toàn lưới điện.
Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) quản lý vận hành gần 24.000 km đường dây 220kV và 500kV trải dài trên cả nước, trong đó, có 16.400 km đường dây 220 kV, 7.500 km đường dây 500 kV. Tổng dung lượng MBA là 71. 200 MVA (với 130 TBA, trong đó có 104 trạm 220 kV, 26 trạm 500 kV). Hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc – Nam có hơn 7.500km đường dây đi qua nhiều địa bàn đồi núi hiểm trở - đặc biệt là các khu vực miền Trung và Tây Nguyên - đoạn qua đèo Hải Vân, Dốc sỏi Pleiku, Đà Nẵng - Thạnh Mỹ, Pleiku… thường xảy ra nhiều cơn bão lớn, mưa dài ngày, trong khi nền đất yếu, đồi núi cao và dốc, dễ sạt lở, việc đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện này là vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Để đảm bảo mục tiêu truyền tải cấp điện cho miền Nam năm nay đạt 20 tỷ kWh từ miền Bắc và miền Trung, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị cụ thể, bằng nhiều giải pháp: Tăng cường kiểm tra để phát hiện những khiếm khuyết như các vị trí rễ sạt lở, vị trí gần sông suối có nguy cơ cao khi có mưa bão xảy ra; Xử lý triệt để những vị trí đã bị sạt lở trong mùa mưa bão năm 2016; Công tác chặt tỉa cây cối, dọn dẹp cỏ dại trong ngoài hành lang lưới điện, tuyên truyền chống đốt nương dãy gây cháy rừng gây sự cố lưới điện; Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật đường dây và trạm biến áp; Chuẩn bị các phương án cụ thể, vật tư thiết bị dự phòng, thông tin liên lạc chỉ huy để xử lý nhanh khi tình huống xảy ra…
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Thưa ông, như ông vừa thông tin, đa phần lưới truyền tải điện quốc gia đi qua các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng núi cao, khu vực có địa hình hiểm trở khó khăn. Để khắc phục sự cố an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, bên cạnh việc chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ… thì nguồn nhân lực rất quan trọng. Trong khi nguồn nhân lực của truyền tải điện - nhất là lực lượng nhân viên bảo vệ lưới điện ở các địa phương mỏng/trong khi sự cố lại lớn. Vậy, thời gian qua EVNNPT đã có giải pháp/kinh nghiệm gì để khắc phục sự cố cấp điện sớm nhất cho người dân ?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Như đã trao đổi ở trên EVNNPT hiện nay đang quản lý gần 24.000 km đường dây 500-220kV, 130 TBA với tổng dung lượng 71.200MVA. Sản lượng điện truyền tải trong năm 2016 là: 156,194 tỷ kWh. Sản lượng điện truyền tải (dự kiến) trong năm 2017 là: 174,150 tỷ kWh, tăng 11,53% so với năm 2016.
Với chiều dài đường dây trải dài trên 64 tỉnh thành cả nước mà phần lớn các đường dây 500kV là đi trên địa hình rừng núi hiểm trở phức tạp, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây nguyên – đoạn qua đèo Hải Vân, Dốc Sỏi - Pleiku thì việc đảm bảo cho công tác vận hành an toàn là nỗ lực rất cao của các đơn vị cơ sở trong EVNNPT, đặc biệt trong mùa mưa bão. EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị ngoài công tác lập duyệt phương án cụ thể, phương án diễn tập, trước khi lập phương án, các đơn vị phải tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ trên lưới điện, xử lý các khiếm khuyết như khơi thông dòng chảy các vị trí móng cột, xử lý các khiếm khuyết phụ kiện đường dây, chống sét... Đặc biệt các vị trí có nguy cơ cao như có sông suối chảy vào thì có biện pháp xử lý ngay trước mùa mưa bão, cụ thể sẽ xong trước 30/6/2017 đồng thời có một số giải pháp cụ thể. Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo bảo vệ hành lang lưới điện tại các địa phương, EVNNPT đã ký quy chế phối hợp với Công an 63/64 tỉnh có lưới truyền tải điện đi qua; Ký hợp đồng bảo vệ đường dây 500kV với chính quyền địa phương, công an, quân đội trên phạm vi cả nước; Gắn trách nhiệm lực lượng hợp đồng bảo vệ ĐD 500kV. Vào những ngày Lễ, Tết, các Công ty Truyền tải điện phối hợp với phòng PA81 các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra các đơn vị hợp đồng bảo vệ, yêu cầu các đơn vị hợp đồng bảo vệ thực hiện nghiêm công tác bảo vệ theo hợp đồng đã ký kết; Tổ chức hội nghị về phòng chống cháy rừng với các đơn vị kiểm lâm, nông lâm trường, chủ rừng; Ký bản cam kết phòng chống cháy rừng (PCCR) với hộ gia đình có rẫy - rừng dọc hành lang dường dây 500kV Bắc – Nam và ký biên bản phối hợp phòng chống cháy rừng với các hạt kiểm lâm tại các khu vực tuyến đường dây đi qua.
Năm 2017, các đơn vị tiếp tục việc lắp đặt bổ sung biển báo tại các điểm giao chéo với đường bộ, đường thủy nội địa theo đúng quy định, nâng cao khoảng cách pha – đất các đường dây dễ bị phương tiện vi phạm khoảng cách.
PV: Thưa ông, qua quá trình triển khai thực hiện, khó khăn (lớn nhất) của đơn vị quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia trước thực trạng vi phạm an toàn lưới điện phổ biến hiện nay là gì ?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Khó khăn lớn nhất của đơn vị quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia trước thực trạng vi phạm an toàn lưới điện phổ biến hiện nay ngày càng nghiêm trọng cả về tần xuất và các hình thức vi phạm, do phương tiện giao thông đường bộ cẩn cẩu, xe gầu xúc, … phương tiện giao thông đường thủy gây sự cố lưới điện truyền tải; Do cây trồng vi phạm hành lang tuyến gây phóng điện; Do ngưới dân có thói quen đốt nương rẫy, gây cháy rừng; Cá biệt do nhận thức của người dân vì những phản ứng theo cách tiêu cực, điển hình là vụ vi phạm cố ý trồng 2 cột sắt hai bên ĐZ 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa tại xã Cẩm lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang gây sự cố mất điện ĐZ 9h29 phút ngày 19/8/2016.
PV: Thưa ông, qua thực tế thời gian qua, chúng tôi thấy ở 1 số khu vực phía Bắc có công trình xây dựng dưới đường dây 220kV – nhưng lại không được làm kiên cố, lều quán tạm bợ, vào mùa mưa bão rất dễ bị giông lốc cuốn bay vào đường dây. EVNNPT giải quyết khó khăn này như thế nào ?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Khi có mưa bão thì nguy cơ các công trình dưới ĐZ không được làm kiên cố có nguy cơ rất cao sẽ bị bay tốc lên ĐZ gây sự cố, như mái tôn, các vật lạ, nilông.. đây là khó khăn chung của EVNNPT trong quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia. Để giải quyết khó khăn này, một mặt các đơn vị đã tăng cường tuyên truyền vận động người dân chấp hành đúng những quy định của pháp luật về bảo vệ HLLĐCA, những mái tôn phải được chằng néo cẩn thận, khi có bão cần phải có những bao cát để đè lên mái, công nhân vận hành thường xuyên dọn dẹp các cỏ cây khô, những vật nhẹ dễ bay lên đường dây khi có bão…
PV: Thưa ông, ngoài những nỗ lực của EVNNPT trong việc chủ động triển khai các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng, chống sét… trên tuyến đường dây, là người trong cuộc làm công tác quản lý, vận hành hệ thống TTĐ quốc gia, ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của cộng đồng, người dân để cùng với EVNNPT đảm bảo an toàn hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia ?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Chúng ta phải luôn hiểu rằng lưới điện truyền tải như xương sống của cơ thể người, khi mất điện một đường dây truyền tải điện thì phạm vi mất điện là rất rộng, trong phạm vi từ 1 đến vài tỉnh, thậm chí nhiều tỉnh và cả một khu vực. Một ví dụ cụ thể nhất là sự cố vi phạm hành lang ngày 22/5/2013 tại Bình Dương làm mất điện toàn bộ 22 tỉnh thành phía Nam. Vì vậy việc bảo vệ an toàn HLLĐCA là đặc biệt quan trọng. Để làm được điều này EVNNPT khuyến cáo người dân cùng chung tay bảo vệ lưới điện truyền tải, tránh những hành vi vi phạm tôi đã nêu ở trên vì bảo vệ lưới điện truyền tải là bảo vệ cuộc sống của bạn và cộng đồng.
PV: Vậy EVNNPT đã có các biện pháp tuyên truyền như thế nào để nâng cao ý thức người dân, cộng đồng ?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với người dân trong những năm gần đây đã được lãnh đạo EVNNPT đặc biệt quan tâm, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều cách tuyên truyền. Thứ nhất là thường xuyên trên Đài TH Việt Nam qua đoạn phim hoạt hình ngắn đang phát trên TH Việt Nam hiện nay về một số hành vi tiêu biểu cấm không được vi phạm gây sự cố ảnh hưởng đến vận hành an toàn lưới điện truyền tải. Thứ hai là in những tờ rơi tuyên truyền đến các đối tượng là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Thứ ba là những áp phích, panô trên các đường giao thông đường bộ, đường thủy.
Tại các đơn vị thường xuyên dùng loa phóng thanh đi đến từng các bản làng vùng đồng bào miền núi có nương dãy gần đường dây, tuyên truyền, tặng quà cho các cháu học sinh bằng những quyển vở cuối bìa có ghi chú những hành vi, hình ảnh không được vi phạm gây mất an toàn đối với lưới điện truyền tải như các hành vi không đốt nương rẫy, không thả diều vật bay lên đường dây, bắn pháo dây, không bắn chim hoặc trèo lên đường dây…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !