Số lượt xem: 680
Chúng tôi trở lại công trình xây dựng đường dây tải điện 220 kV Phan Thiết- Phú Mỹ 2 giữa lúc BQLDA các công trình Điện miền Trung (A miền Trung) và các đơn vị tham gia thi công đang nỗ lực để hoàn thành những khoảng néo còn lại, nhằm sớm đưa công trình vào vận hành.
Nam Trung bộ sau những tháng nắng nóng đến cực điểm, nay đã lác đác có mưa. Miền Đông Nam bộ thì đã bắt đầu vào mùa mưa, những cơn mưa chợt đến, chợt đi làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc dựng cột, kéo dây lấy độ võng. Chống chọi để vượt qua thời tiết khắc nghiệt đã là một áp lực rất lớn đối với những người thợ đường dây, nhưng còn một áp lực khác, đáng lo ngại hơn mà bản thân họ không thể vượt qua được, nếu không có sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền địa phương và nhân dân- áp lực giải phóng mặt bằng.

Thi công đường dây tải điện 220 kV Phan Thiết- Phú Mỹ 2
Có thể nói, trong xây dựng cơ bản nói chung cũng như công trình đường dây và trạm điện nói riêng thì khó khăn lớn nhất, dai dẳng nhất vẫn là giải phóng mặt bằng. Cũng chính vì vậy mà nhiều công trình xây dựng phải kéo dài tiến độ. Công trình chậm tiến độ không những làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chung, mà còn làm cho công trình đội giá, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của DN và Nhà nước, mà tiêu biểu là công trình đường dây tải điện 220 kV Phan Thiết- Phú Mỹ 2.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuyển- Giám đốc BQLDA các công trình Điện miền Trung (AMT), cho biết: Tuyến đường dây 220 kV Phan Thiết- Phú Mỹ 2 là một trong các dự án nằm trong danh mục 12 dự án lưới điện cấp bách nhằm cung cấp điện cho miền Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Công trình được khởi công từ tháng 12/2013 và dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành sau 2 năm xây dựng.
Tuyến đường dây hoàn thành sẽ truyền tải công suất từ Nhà máy điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy điện Sơn Mỹ vào hệ thống điện Quốc gia, tăng cường công suất và giảm tổn thất điện năng, tạo liên kết lưới điện 220 kV trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ.
Mục tiêu, kế hoạch và tầm quan trọng là vậy, thế nhưng hiện nay vẫn còn một số vị trí chưa thể đền bù giải tỏa được, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của công trình. Để khắc phục tình trạng này, BQLDA buộc phải cho nắn lại một số đoạn tuyến để tránh những “lô cốt” kiên cố, vậy nhưng vẫn còn không ít “lô cốt” khác lại mọc lên, cố tình chây ì một cách vô lối. Do vướng mắc về đền bù giải tỏa, nên đến nay đã hơn 2 năm 6 tháng thi công, nhưng toàn công trình mới kéo được trên 80km đường dây. Hiện vẫn còn một số vị trí móng cột chưa dựng xong, thậm chí cột đã dựng, dây đã rải nhưng vẫn chưa được kéo căng lấy độ võng... vì người dân đang đòi tăng thêm tiền hỗ trợ đất nông nghiệp mới cho kéo.
Tuyến đường dây 220 kV Phan Thiết- Phú Mỹ 2 có quy mô 2 mạch, đấu nối từ Trạm biến áp 220 kV Phan Thiết đến Trạm biến áp 220 kV KCN Phú Mỹ 2, toàn tuyến có 351 vị trí móng cột với tổng chiều dài là 140,03 km đi qua địa bàn các huyện, Hàm Thuận Bắc; Hàm Thuận Nam; Hàm Tân; TP.Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận và các huyện Xuyên Mộc; Đất Đỏ; Châu Đức; Tân Thành; TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Công trình có tổng khối lượng đào đắp là 224.147,63m3 đất đá; 23.504,42 m3 bê tông; 1.338,46 tấn cốt thép móng; 6.880,02 tấn cột thép; 3.861,25 tấn dây dẫn; dây chống sét; cáp quang và phụ kiện các loại... Với tổng mức đầu tư là 1.195,19 tỷ đồng. Công trình do AMT đại diện chủ đầu tư, với sự tham gia thực hiện của các đơn vị Công ty CP tư vấn Điện 4; Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn; Tổng Công ty xây dựng điện Việt Nam; Công ty CP xây lắp Điện 4; Công ty CP Sông Đà 11...
Theo chân những người thợ xây lắp của Công ty CP Sông Đà 11, chúng tôi đến vị trí 334 ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu, đây là một trong những vị trí đã dựng xong cột và đã rải dây nhưng vẫn chưa được kéo căng lấy độ võng vì còn vướng đền bù. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện trên toàn tuyến vẫn còn hàng chục hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù, ngược lại có những hộ đã nhận tiền đền bù rồi nhưng vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng vì đang đòi phải tăng thêm mức hỗ trợ đất nông nghiệp từ 30% theo quy định của Nhà nước, lên 80% mới chịu. Đền bù giải phóng mặt bằng là theo quy định chung của Nhà nước, đã được Bộ Tài chính quy chuẩn theo từng cấp độ và mức độ của giá trị tài sản, nhằm đảm bảo hài hòa giữa 3 lợi ích tập thể, cá nhân và Nhà nước, người dân có quyền được đòi hỏi đó là chuyện bình thường. Nhưng chuyện không bình thường ở đây là vẫn còn không ít hộ dân lợi dụng chính sách để đòi hỏi một cách vô lý, khi đòi hỏi không được thì chây ì, làm khó.
Anh Ma Đình Dưỡng, Công ty Xây lắp Điện 4, bức xúc: Chúng tôi đã làm nghề “leo cao, vác nặng” này rồi thì không ngại vất vả khó khăn gì, mà lo nhất, ngại nhất vẫn là công trình chậm tiến độ, phải kéo dài thời gian chờ việc, bởi như thế thì thu nhập của anh em sẽ ít lại, cuộc sống vì thế sẽ khó khăn hơn.
Phải làm gì để giải quyết những vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết: Phương châm của chúng tôi là vẫn phải kiên trì vận động, giải thích cho người dân thấu hiểu chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hiểu được giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân; lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Phải giải quyết một cách mềm dẻo, hài hòa, không để người dân chịu thiệt, nhưng cũng không thể để “phép vua, thua lệ làng”. Để thực hiện phương châm này, AMT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là với Chính quyền địa phương nơi có công trình đi qua để thống nhất mức đền bù giải tỏa theo chủ trương của Chính phủ, mặt khác là vận động những hộ dân còn vướng mắc nhằm tìm ra phương án giải quyết tối ưu vừa có lợi cho dân vừa đảm bảo tiến độ của công trình.
Khối lượng công việc còn lại khá nhiều, mà thời gian thì rất ít- khi mà mùa mưa ở miền đông Nam Bộ đã đến và thời hạn công trình không cho phép kéo dài thêm được nữa. Để chạy đua với thời gian, AMT cùng với các đơn vị tham gia thi công đang riết ráo huy động nguồn lực với quyết tâm hoàn thành đóng điện, đưa công trình vào vận hành giữa quý III năm 2016.
Phan Sáu- Trần Hiệp
14/07/2016