Ảnh minh họa.
Trước tình hình này, Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) đã dự phòng các khả năng, thực hiện giải pháp bảo đảm cung ứng, điều độ nguồn điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các tháng mùa khô.
Theo Phó Giám đốc NLDC Vũ Xuân Khu, trong ba tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc là 35,8 tỷ kW giờ. Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trong tháng 4 là 13,42 tỷ kW giờ và cả quý II-2015 là 41,67 tỷ kW giờ, tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2014. Với mức dự kiến tăng trưởng phụ tải từ 9,2% tới 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong các tháng 5 và 6, dự kiến phụ tải của hệ thống có thể đạt bình quân từ 460 triệu đến 465 triệu kW giờ/ngày, công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống có thể lên tới 24.780 MW. Mục tiêu vận hành hệ thống điện là điều hành khai thác hợp lý cơ cấu các nguồn điện để cấp điện đầy đủ và an toàn cho tới giai đoạn cuối mùa khô.
Theo đó, huy động cao các nguồn điện than và khí, trong đó nhiệt điện than phải bảo đảm sản lượng trung bình tối thiểu 150 triệu đến 155 triệu kW giờ/ngày. Vận hành an toàn, tin cậy hệ thống truyền tải điện liên kết các miền trong thời gian liên tục phải truyền tải cao về công suất và sản lượng điện theo hướng Bắc - Trung - Nam. Trong các tháng mùa khô sẽ có 19 hồ thủy điện (HTÐ) ở cả ba miền phải điều tiết, vừa bảo đảm nhu cầu nước phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt theo các quy trình điều tiết hồ chứa/liên hồ chứa và các yêu cầu của địa phương. Trong đó, các hồ thường xuyên có yêu cầu cao và kéo dài như: HTÐ Quảng Trị, A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh, Ða Nhim, Hàm Thuận - Ða Mi, Ðại Ninh và các HTÐ trên dòng Sê-rê-pốc.
Trong thời gian vừa qua, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, tình hình hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng lượng nước về các hồ thủy điện. Hạn hán này cũng đã từng xảy ra trong nhiều mùa khô. Do đó, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã đề phòng từ trước. Kể từ đầu năm đến nay, việc huy động các nhà máy thủy điện ở khu vực này hết sức hạn chế, chủ yếu huy động nhằm đáp ứng nước hạ du ở các địa phương. Nhờ đó, ba tháng qua, nước cho hạ du đã đáp ứng yêu cầu của các địa phương. Ðến thời điểm hiện nay, lượng nước tại 21 HTÐ của EVN ở khu vực này còn khoảng 3,7 tỷ m3, cao hơn so cùng kỳ năm trước khoảng 450 triệu m3 và cao hơn một chút so kế hoạch. Như vậy, mặc dù nắng nóng xảy ra ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhưng với lượng nước còn lại ở các HTÐ, sẽ đủ đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du cũng như để sản xuất điện trong các tháng còn lại của mùa khô.
Trước tình hình dự báo năm nay sẽ xảy ra nắng nóng, khô hạn trên diện rộng, như những năm qua, EVN đã xây dựng phương án ngay từ đầu năm để bảo đảm cấp điện trong toàn bộ thời kỳ mùa khô cũng như có phương án ứng phó trong tình huống khó khăn nhất. Thực tế, ba tháng đầu mùa khô cho thấy, tình hình cung cấp điện ổn định trên toàn hệ thống. Theo tính toán cập nhật của NLDC, trong các tháng còn lại của mùa khô, hệ thống có đủ nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, không phải tiết giảm nhu cầu phụ tải.
Phó Giám đốc NLDC Vũ Xuân Khu cho biết, trong các tháng vừa qua, EVN huy động khoảng 65 triệu kW giờ điện phát bằng dầu DO để đáp ứng trong tình huống sự cố và công tác bảo dưỡng nguồn khí cho Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau. Trong quý II này, để bảo đảm cung ứng đủ điện, kết quả tính toán cân bằng cung cầu cho thấy, nguồn chạy dầu DO sẽ chạy để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao khi thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, để huy động các nguồn này, EVN thường xuyên chỉ đạo các nhà máy điện chạy dầu phải bảo đảm độ sẵn sàng của tổ máy cũng như thường xuyên chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu dầu. Hiện nay, tổng công suất đặt của toàn hệ thống khoảng 36.400 MW. Công suất phụ tải lớn nhất xấp xỉ 22.700 MW. Như vậy, về tổng thể, hệ thống có đủ công suất để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, riêng miền nam chưa tự cân đối được mà phải truyền tải một lượng điện năng lớn từ miền Bắc và miền Trung vào. Ðể làm tốt công tác này, EVN đã và đang thực hiện một loạt các giải pháp quan trọng như:
Chỉ đạo quyết liệt và tạo mọi điều kiện để sớm đưa các nhà máy điện mới trong khu vực miền nam vào vận hành, nhất là Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 công suất 1.200 MW. Thực tế, EVN đã đưa vào vận hành hai tổ máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với tổng công suất 1.200 MW, một tổ máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 với công suất 600 MW. Hiện các tổ máy này vận hành ổn định, đóng góp sản lượng đáng kể cho hệ thống, trong đó, sản lượng huy động của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong ba tháng qua là 484 triệu kW giờ, tăng 4 triệu kW giờ so kế hoạch.
Tích nước cao nhất có thể đối với các HTÐ khu vực miền trung và miền nam, huy động hạn chế các tháng đầu mùa khô, chủ yếu để đáp ứng nước cho hạ du, còn lại ưu tiên phát vào các thời điểm mà yêu cầu cao, nhất là các tháng cuối mùa khô. Thực tế hiện nay, mực nước các HTÐ lớn đều cao hơn so cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: HTÐ Trị An và Ya Ly cao hơn 1,6 m; Sông Tranh cao hơn 7,8 m; Buôn Tua Srah cao hơn 8,8 m...
EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) tăng cường khả năng vận hành lưới điện truyền tải cao áp, trong đó EVN NPT đã kịp thời thay thế một số giàn tụ bù trên hệ thống truyền tải 500 kV để tăng khả năng truyền tải điện từ miền bắc vào miền trung và miền nam. Ngoài ra, EVN đã và đang phối hợp Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bảo đảm cung cấp các nguồn nguyên liệu than, khí cũng như vận hành ổn định các nhà máy điện của các tập đoàn này.