Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đội Đội Truyền Tải Điện Kỳ Anh (Truyền tải điện Hà Tĩnh) cũng vào một ngày nắng khó chịu của cuối tháng 8 vậy. Quả là mới sáng mà đã nắng rồi. Mặt trời đã ló và le lói khắp nơi, nhanh chóng rải màu vàng bao phủ như sợ ai cướp mất khoảng không gian. Trong khu nhà hai tầng, chỉ còn lác đác vài bóng công nhân. Một ấn tượng đối với nơi làm việc toàn con trai này rất sạch sẽ nếu không muốn dùng từ rất đẹp khi những chậu hoa và cây cảnh được chăm sóc chu đáo.

Khuân viên Đội Truyền Tải điện Kỳ Anh.
Có lẽ chuyến đi đến không báo trước của tôi, nên không biết hôm nay anh em đã ra làm tuyến. Tôi đã cố gắng đến sớm vậy mà đoàn quân của Đội truyền tải điện Kỳ Anh đã rải quân trên tuyến rồi. Chỉ còn vài người ở lại trực kết hợp làm một số việc trong cơ quan. Không vội quay về, tôi xin phép dạo quanh một vòng khu truyền tải điện.
Hai công nhân vẫn đang cặm cụi làm việc, đục gỗ quên mất cả có người lạ đang đứng quan sát nhìn. Nếu không mang trên mình bộ trang phục của người lính truyền tải thì tôi nghĩ phải là những người thợ mộc mới đúng. Bàn tay thoăn thoắt trên những thớ gỗ. Vẫn mải miết với công việc của mình, các anh vừa giải thích đang tận dụng những tấm gỗ thừa, gia công làm dụng cụ đựng đồ nghề. Một câu khen thay cho lời chào hỏi của tôi khiến mọi người đều tán thành “Thợ điện biết lắm nghề thế”. Ngó qua sự ngăn nắp của các phòng, dụng cụ làm việc được cất đặt gọn gàng và sáng tạo trong cách để đồ, xếp gọn ngăn nắp tôi mới rõ hiệu ứng trong sự khéo tay này của các anh có tác dụng lớn đến vậy.

Nếu không mang trên mình áo đội truyền tải thì chắc ai cũng nghĩ anh là thợ mộc
Bước chân lên tầng hai, bắt gặp một công nhân đang soạn những quyển sách báo vở học sinh, có đóng dấu đỏ của Đội truyền tải điện làm tôi tò mò thật sự. Hoá ra anh đang chuẩn bị tuyên truyền cho Hành lang an toàn lưới điện sắp tới. Theo lời anh trẻ em thiếu nhi là đối tượng dễ hành động theo cảm tính vì chúng không biết sự nguy hiểm về điện do vậy mình phải tuyên truyền. Vừa chỉ cho tôi những cuốn vở học sinh, anh giải thích thêm “Sắp tới năm học mới vừa kết hợp tuyên truyền vừa tặng các em những cuốn sổ này. Phải thực tế các cháu mới nghe mình nói được cô ạ”
Những quyển báo- Sách vở mang cả số điện thoại của Đội để phát cho người dân và học sinh
Ghé qua các phòng, càng khẳng định ấn tượng của cái nhìn khi tôi mới vào là đúng. Không chỉ sự ngăn nắp của dụng cụ, đồ nghề làm việc mà những dây đeo an toàn được treo gọn gàng đúng vị trí tên của từng người. Anh Thành – Công đoàn Đội chú giải “Dây gia an toàn là một vật bất ly thân đối với lính truyền tải khi leo lên cột nên cần được kiểm tra và bảo quản đúng cách. Mọi công nhân đều được phát dây riêng để tự bảo quản và kiểm tra dây dây gia an toàn của mình, vừa nâng cao ý thức bảo vệ mình luôn”
Nhìn sân cầu lông được quyét dọn sạch sẽ, bàn đánh bóng đã được xếp gọn để bên cạnh. Tôi tò mò hỏi về cuộc sống anh em trong trạm Anh Thành cho biết thêm “Địa bàn hơi chật hẹp nhưng phong trào thể dục thể thao ở đây rất mạnh CBCNV ở đây dân bản địa rất ít, chủ yếu là dân góp. Có nhiều người ở lại tập thể cơ quan. Nên mọi người cũng xây dựng cơ quan như ngôi nhà của mình.” Chia sẽ với anh nhiều điều trong cuộc sống, tôi cũng biết thêm cuộc sống của những anh lính truyền tải xa quê cũng còn nhiều thiếu thốn khi xa gia đình và người thân.
Rời trụ sở của đội trong tôi vẫn bao cảm xúc khó nói, dù chưa thu thập được những thông tin tôi cần tìm. Nhưng đổi lại, tôi bắt đầu có cái ấn tượng khác với những anh lính truyền tải. Rất thực tế, thân thiện, gần gũi dễ gần đa tài và hài hước. Một cái gì đó lưu luyến với thợ truyền tải. Hy vọng tôi sẽ có chuyến đi làm cùng thực tế về công việc để hiểu rõ hơn công việc của những anh lính Truyền tải điện.