Điểm nút quan trọng
Cụm lưới điện trọng điểm Plây Cu 2 thuộc danh mục các dự án lưới điện cấp bách giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền trung (CPMB) quản lý dự án. Cụm này gồm ba dự án: Trạm biến áp (TBA) 500 kV Plây Cu 2; Lắp máy biến áp (MBA) 500/220 kV tại TBA 500 kV Plây Cu 2, đấu nối 220 kV và Đường dây (ĐZ) 220 kV Xê-ca-mản 1 (Hát-xan) - Plây Cu 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam). TBA 500 kV Plây Cu 2 được xây dựng tại xã Ia Kênh, TP Plây Cu (Gia Lai), quy mô tám ngăn lộ xuất tuyến 500 kV, giai đoạn đầu lắp đặt bốn ngăn lộ 500 kV, ba dàn tụ bù dọc, ba kháng bù ngang, tổng mức đầu tư hơn 1.277,4 tỷ đồng. Dự án lắp MBA có tổng mức đầu tư gần 584 tỷ đồng, lắp hai MBA 500 kV - 450 MVA tại TBA Plây Cu 2, xây dựng ĐZ 220 kV 2 mạch dài 3,8 km, nối TBA 500 kV Plây Cu 2 với ĐZ 220 kV Plây Cu - Krông Búc. ĐZ 220 kV Xê-ca-mản 1 - Plây Cu 2 có tổng chiều dài 119,4 km, trong đó phần ĐZ 220 kV bốn mạch từ biên giới Việt - Lào về TBA 500 kV Plây Cu 2 dài hơn 16,2 km, tổng mức đầu tư hơn 966 tỷ đồng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN NPT Đặng Phan Tường cho biết: Cụm lưới điện trọng điểm này được đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy cho trục truyền tải 500 kV bắc - trung - nam; tăng cường năng lực truyền tải của ĐZ 500 kV mạch kép Plây Cu - Mỹ Phước - Cầu Bông; giảm nguy cơ sự cố và áp lực cho vận hành TBA 500 kV Plây Cu hiện có; đấu nối, tiếp nhận công suất từ các nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1, Xê-ca-mản Xan-xay, Xê-công 3 thượng, Xê-công 3 hạ (phía Lào) về Việt Nam nhằm cung cấp điện cho khu vực miền trung - Tây Nguyên và khu vực các tỉnh phía nam; liên kết lưới điện Việt Nam - Lào, khai thác, vận hành tối ưu hệ thống điện Việt Nam,... Các hạng mục này đều nằm trong khu vực có vị trí rất xung yếu, là “điểm nút” quan trọng trong trục truyền tải điện cao áp bắc - trung - nam. Hiện EVN NPT thường xuyên cập nhật tiến độ các dự án bên Lào để đồng bộ tiến độ phía Việt Nam. Trong khi đó, Giám đốc CPMB Nguyễn Đức Tuyển chia sẻ với chúng tôi: Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của cụm dự án đối với an ninh năng lượng quốc gia, CPMB đã khẩn trương thực hiện khối lượng khổng lồ để kịp khởi công TBA 500 kV Plây Cu 2 ngày 27-12-2014; lắp MBA 500/220 kV tại TBA 500 kV Plây Cu 2 và đấu nối 220 kV và ĐZ 220 kV Xê-ca-mản 1 - Plây Cu 2 ngày 16-8-2015,… Trong đó, dự án ĐZ 220 kV Xê-ca-mản 1 - Plây Cu 2 có tiến độ thi công kỷ lục, chỉ sau bảy tháng đã hoàn thành nhiều hạng mục, thậm chí để tranh thủ tiến độ, đơn vị vừa thi công, vừa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.
Không được phép lùi
Cụm dự án Plây Cu 2 khi đi vào vận hành sẽ giúp tăng tải thêm cho hệ thống truyền tải điện bắc - nam thêm 500 MW - một con số có ý nghĩa hết sức lớn, nhất là trong dịp cao điểm mùa khô năm 2016 này. Chính vì thế, được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của EVN NPT, CPMB đang đốc thúc các nhà thầu tập trung lực lượng tinh nhuệ, thiết bị máy móc, cũng như giám sát, đôn đốc các nhà thầu chế tạo cung cấp đủ vật tư, phụ kiện cho lắp đặt thiết bị. Đến nay, tổng khối lượng dự án đã đạt hơn 85%. Từ nay đến mốc đóng điện chỉ còn khoảng hai tháng, do đó đây là giai đoạn nước rút, Tổng công ty đã yêu cầu CPMB, các nhà thầu làm “xuyên Tết”, ngay cả các công ty Truyền tải điện 2 (PTC 2) và 3 (PTC 3) cũng phải cử cán bộ giám sát, đội ngũ vận hành bám công trường để ngay khi công trình hoàn thành, có thể tiếp nhận, vận hành ngay không chậm trễ. Đến thời điểm này, tổng khối lượng cụm dự án đã cơ bản đạt tiến độ đề ra. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, một số vị trí chưa được bàn giao mặt bằng để thi công, nhưng với quyết tâm cao độ của cả chủ đầu tư và nhà thầu, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, dự án hoàn toàn có thể về đích đúng ngày 30-3, đồng bộ tiến độ phát điện của Thủy điện Xê-ca-mản 1 ở Lào, đồng thời ĐZ 220 kV từ nhà máy này về đến biên giới Lào - Việt Nam cũng sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Trên công trường TBA 500 kV Plây Cu 2 những ngày Tết này, chúng tôi chứng kiến kỹ sư, công nhân Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC 1) đang bất chấp gió ngàn cao nguyên cuốn bụi đất đỏ, đẩy nhanh tiến độ nhiều hạng mục, nhất là xây dựng ngăn lộ 500 kV, lắp đặt các thiết bị. Vóc dáng một TBA hiện đại, sử dụng công nghệ và thiết bị của hãng Siemens (CHLB Đức) đã hình thành. Phó Tổng Giám đốc PCC 1 Đặng Văn Nghĩa cho biết, đến ngày 30-3 này, công ty phải hoàn thành xây dựng toàn bộ TBA. Hiện đơn vị đang huy động tới 450 kỹ sư, công nhân tại công trường và phần lớn bám trụ, ăn Tết trên công trường. Tại vị trí cột số 121, ĐZ 220 kV ở xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy (Kon Tum), không khí lao động của kỹ sư, công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 11 cũng hết sức sôi động. Anh Nguyễn Tuân, Chỉ huy công trường của Sông Đà 11 cho biết: Đến nay, công ty đã hoàn thành toàn bộ việc đúc móng cột, dựng hơn 80% số cột và đã bắt đầu kéo dây cáp. Để bảo đảm tiến độ, công ty huy động hàng trăm kỹ sư, công nhân bám trụ dọc tuyến ĐZ. Đã nhiều lần tham gia thi công các ĐZ và TBA 500 kV, cho nên những đơn vị xây lắp điện đều dạn dày kinh nghiệm, kể cả ở địa bàn Tây Nguyên thời tiết biến động thất thường. Mặc dù thi công gấp rút, song các đơn vị đều ý thức hạn chế đến mức thấp nhất tổn hại cây trồng của người dân dưới hành lang lưới điện. Tại nhiều điểm kéo dây ở rừng cao-su hay rẫy cà-phê, các đơn vị thi công dựng khá nhiều giàn giáo, tránh không để dây cáp dài hàng nghìn mét quệt vào làm gãy đổ những cây cao-su đang bắt đầu khai thác hay rẫy cà-phê đơm hoa kết trái.
Để bảo đảm tiến độ cụm dự án trọng điểm này, chủ đầu tư đang phải “căng mình” tại từng vị trí vướng mắc để cùng chính quyền địa phương vận động, giải thích cho bà con vùng dự án về ý nghĩa của công trình đối với lưới điện quốc gia để người dân sớm bàn giao mặt bằng cho thi công. Lãnh đạo EVN NPT, các ban quản lý dự án, nhà thầu phải trực tiếp bám sát công trình, nhiều lần xuống tận vị trí vướng mắc để tháo gỡ dứt điểm khó khăn. Tại dự án ĐZ 500 kV Plây Cu - Mỹ Phước - Cầu Bông, ban đầu, các đơn vị đều khẳng định không thể hoàn thành đúng tiến độ mà phải chậm cả tháng. Sau khi thị sát, chỉ đích danh và kiên quyết đưa ra những giải pháp tháo gỡ “nút thắt”, nhất là về giải phóng mặt bằng và việc cung ứng đủ vật tư, thiết bị, công trình này đã về đích đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật.
Những ai đã từng đi khảo sát tại nhiều công trình điện cả nước, sẽ nhận thấy một điều, không hiểu cơ duyên nào mà khá nhiều công trình trọng điểm của EVN NPT có tiến độ “nước rút” đều rơi vào dịp Tết Nguyên đán (sau Tết chừng 2 - 3 tháng là đóng điện). Do đó, EVN NPT thường tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà, tổ chức đón Xuân sớm trên các công trường bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực cả về vật chất và tinh thần với tình cảm ấm áp để chia sẻ, động viên anh em cán bộ, công nhân thi công không nghỉ Tết, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm trong những ngày Xuân mới.